Kinh nghiệm thuê thiết kế nội thất nhà mới
Cố gắng cô đọng những mường tượng về ngôi nhà mong muốn của bạn thành 3 đến 4 mục chính. Chẳng hạn như đó phải là một ngôi nhà gần gũi với thiên nhiên, sử dụng màu trắng và màu pastel chủ đạo, phong cách mở, cảm giác ấm cúng, dễ thương…
Sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có thể gọi tên một chủ đề thiết kế cụ thể, chẳng hạn như phong cách tối giản, đồng quê, Bắc Âu, tân cổ điển… Nhưng nên nhớ rằng, một phong cách lại có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau nên tốt hơn cả, bạn hãy liệt kê 3 hoặc 4 điểm nổi bật của phong cách đó để nhà thiết kế nội thất có thể nắm bắt được ý đồ của bạn.
Ngoài ra, cũng nên nêu rõ những tính năng quan trọng với gia đình bạn như: có nhiều không gian lưu trữ, hạn chế vách ngăn, dễ lau chùi, dọn dẹp…
Nếu bạn không biết cách sử dụng phần mềm thiết kế hay không có năng khiếu vẽ vời thì đừng quá lo lắng bởi hầu hết các công ty nội thất đều có đội ngũ tư vấn viên giúp bạn làm việc này. Hãy cân nhắc xem bạn muốn sử dụng không gian sàn như thế nào, đặt nội thất ở đâu. Điều quan trọng là phải đo đạc đúng tỷ lệ, kích thước bởi một món đồ trong có thể rất đẹp khi được trưng bày ở cửa hàng nội thất nhưng lại quá to hoặc quá nhỏ so với căn phòng của bạn.
Mặt bằng kích thước bố trí nội thất
Dù chưa có ý định sắm sửa nội thất thì việc phác thảo mặt bằng cũng sẽ giúp bạn dễ dàng hình dung về tổng thể căn nhà. Trên bản phác thảo mặt bằng, các nhà thiết kế sẽ đánh dấu đâu là tường chịu lực để bạn biết rằng bức tường nào có thể treo tủ, kệ, bức tường nào chỉ để phân vùng.
Đồng thời, bạn cũng cần tạo một bảng checklist cho các phòng. Chẳng hạn, bạn sẽ muốn chỉ rõ ra rằng phòng bếp vừa là nơi nấu nướng, vừa là nơi ăn uống hay tiếp đãi các vị khách. Căn cứ vào đó, nhà thiết kế nội thất có thể đề xuất các phương án phù hợp, chẳng hạn như bố trí thêm đảo bếp, quầy bar…
Ở bước này, lưu ý rằng chủ đề và đồ nội thất cho từng phòng cần được xác định rõ. Nhà thiết kế nội thất sẽ chi tiết hóa từng thứ hơn nữa, chẳng hạn như cung cấp bảng màu sơn hay đưa ra danh sách nội thất cần có cho mỗi phòng.
Bạn không nhất thiết phải liệt kê tất cả danh sách các thiết bị, đồ gia dụng. Chỉ cần tập trung vào những hệ thống lớn mà nhà thiết kế nội thất có thể cần để đưa vào thiết kế tổng thể, chẳng hạn như hệ thống rạp chiếu phim tại nhà, loa, tủ lạnh…
Nếu trong nhà cần một không gian chuyên nghiệp như góc chụp ảnh, góc vẽ tranh hay phòng thu âm, bạn cũng nên đề cập với nhà thiết kế về các thiết bị liên quan để họ lên phương án bố trí ổ điện. Chẳng hạn, nếu bạn không nói với nhà thiết kế nội thất về cách mình thiết lập hệ thống âm thanh trong nhà ra sao, bạn có thể sẽ không tìm được ổ cắm để cung cấp điện cho loa ở những nơi mình cần. Hãy càng chi tiết cho căn phòng càng tốt.
Trong một số trường hợp – chẳng hạn như khóa thông minh hay chiếu sáng thông minh – một nhà thiết kế nội thất có liên kết với nhà cung ứng sẽ giúp bạn mua thiết bị với mức giá tốt hơn.
Mô tả bằng văn bản chưa hẳn là phương án tối ưu, nhất là trong trang trí nội thất. Tốt hơn cả, bạn hãy truy cập vào các cửa hàng trực tuyến, các tạp chí thiết kế nội thất hay các nguồn trực quan khác, lưu lại những hình ảnh đó và gửi cho nhà thiết kế nội thất biết để họ dễ hình dung về mong muốn của bạn.
Đồng thời, trong quá trình tìm kiếm, bạn còn có thể khảo giá sản phẩm, từ đó so sánh và lựa chọn ra được cửa hàng có giá bán thấp nhất. Các nhà thiết kế cũng có thể giúp bạn tìm được nguồn bán đồ trang trí, thậm chí là với mức giá ưu đãi.
Lưu ý, một số nhà thiết kế nội thất còn có xưởng sản xuất riêng, cho phép họ tạo ra các thiết kế độc bản giống như trên các tạp chí hay các website chuyên về thiết kế nội thất. Điều này giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí.
Đừng ngại yêu cầu nhà thiết kế nội thất đưa ra mức chi phí dự kiến ban đầu cho các hạng mục mà bạn đã nêu ra. Nhờ đó, bạn biết được đâu là hạng mục đắt tiền nhất và cân nhắc liệu có cần đổi sang phương án khác hay không. Thông thường, nhà thiết kế nội thất sẽ đưa ra phương án thay thế hợp lý hơn, chẳng hạn như sử dụng sàn nhựa giả gỗ thay cho sàn gỗ tự nhiên để tiết kiệm chi phí.
Ước tính tiến độ hoàn thành cũng rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến thời điểm bạn có thể chuyển vào nhà mới. Với những người đầu tư căn hộ cho thuê, thì đó là căn cứ để quyết định khi nào họ có thể bắt đầu nhận khách cho thuê. Thông thường, nhà đầu tư căn hộ cho thuê nên tiếp thị căn hộ khoảng một thoáng trước khi quá trình cải tạo hoàn thành.
Hãy hỏi nhà thiết kế nội thất về kế hoạch tổng thể cũng như tiến trình cải tạo. Nếu muốn dọn vào nhà mới sớm hơn, bạn có thể yêu cầu họ ưu tiên hoàn thiện các phòng quan trọng như phòng ngủ, bếp…
Khi nhận được bản vẽ thiết kế và phối cảnh 3D từ bên thiết kế, hãy thẳng thắn đưa đưa ra phản hồi về những gì bạn thích, những gì bạn muốn thay đổi. Bạn có thể làm điều này bằng cách trực tiếp viết các nhận xét và đánh dấu lên hình ảnh. Một lựa chọn thay thế khác là sử dụng trang tính trực tuyến của Google để cập nhật các nhận xét, cho phép 2 bên tương tác ngay tức thì. Cách làm này tiện hơn rất nhiều so với việc gửi email qua lại.
Một lỗi mà phần đông mọi người thường hay mắc phải là vứt toàn bộ hóa đơn, thông tin về nhà cung cấp đi. Điều này dẫn tới rất khó để tìm thấy vật liệu thay thế sau này nếu cần đến.
Chẳng hạn, nếu giấy dán tường bị rách, bạn sẽ không biết nơi nào để mua chính xác mẫu giấy này để thay thế. Nếu muốn sơn lại nhà, bạn cũng cần biết chính xác tông màu, nhãn hiệu sơn đã được sử dụng ban đầu. Lời khuyên là hãy giữ lại toàn bộ mẫu cải tọa và các giấy tờ liên quan để dễ dàng tham khảo, đối chiếu sau này.
Theo thanhnienviet
Quý khách điền thông tin bên dưới chúng tôi sẽ liên hệ trong thời gian sớm nhất